KINH NGHIỆM VIẾT CA KHÚC VỀ CÁC ĐỊA PHƯƠNG ĐỂ LÀM SAO TÁC PHẨM “ÍT MÀ KHÔNG THIẾU, NHIỀU MÀ KHÔNG THỪA”?
03-04-2013
Ca khúc về các địa phương hay còn gọi là (Địa phương ca) trên thế giới đã có từ khá lâu.
Ca khúc về các địa phương hay còn gọi là (Địa phương ca) trên thế giới đã có từ khá lâu. Chẳng hạn như bài hát Scarborough Fair (Dân ca Anh) ra đời từ thời Trung cổ. Scarborough là một thành phố nằm ven bờ biển nước Anh. Bài hát đã được nhạc sỹ Phạm Duy chuyển dịch lời Việt thành bài Giàn Thiên Lý đã xa. Ngoài ra còn có những “Địa phương ca” khác cũng nổi tiếng không kém như bàiSan Francisco. (Thành phố San Francisco). Casablanca hay còn có tên khác là As time goes by (Thành phố Casablanca của N/sỹ Bertie Higgins)… Ngay như ở Việt Nam giai đoạn trước đây, nhất là từ khi có nền tân nhạc. Đã bắt đầu xuất hiện một số nhạc sỹ viết những bài “Địa phương ca” như: Nàng Hà Tiên (N/sỹ Lê Thương) Trên Sông Hương (N/sỹ Nguyễn Văn Thương) Tiếng Hò trên đất Nghệ An (N/sỹ Tân Huyền) Ai lên xứ hoa đào (N/sỹ Hoàng Nguyên)…Những khái lược trên đủ cho chúng ta thấy được sức “lan tỏa” của ca khúc về các địa phương cũng không hề thua kém các thể loại ca khúc khác.
Thực ra, cũng như những thể loại ca khúc hiện nay. “Địa phương ca” cũng có lúc thăng, khi trầm. Đã có thời kỳ do nhu cầu hay chỉ vì phong trào hoặc thấy địa phương khác có bài hát, các vị lãnh đạo cấp Tỉnh, cấp ban ngành địa phương cũng quyết liệt mời nhạc sỹ khắp nơi về viết cho “Tỉnh ta vài bài”… Từ đó dẫn đến có quá nhiều ca khúc về các địa phương như Khu ca (Tức khu vực ca hay liên khu ca). Tỉnh ca, Huyện ca, Xã ca. Thậm chí là Thôn ca được ra đời nhưng để “tồn tại” thì quá ít!!! Có lẽ, những vị này không hiểu rằng: Để thưởng thức ca khúc về các địa phương thì rất dễ, nhưng để viết ca khúc về các địa phương thì quả là khó! Đó là chưa nói đến các tiêu chí về thẩm mỹ như (mới, đẹp, lạ, hay…) Nghĩa là giai điệu phải mới, ca từ phải đẹp, ngôn ngữ tiết tấu phải phù hợp với hơi thở thời đại mà phải lạ…Và nói chung bài hát phải hay. Xét ra, cũng không có Luật lệ nào đưa ra “tiêu chí” này. Với lại “tiêu chí” này càng không phải là quy chuẩn để mọi nhạc sỹ phải thực hiện theo. Chẳng qua “tiêu chí” này tự thân những nhạc sỹ phải đặt ra cho mình để cố gắng “vươn tới” sự hoàn thiện bản thân. Nhằm tạo ra những đứa con tinh thần có thể sống được với thời gian. Thực ra, đã có những giai đoạn, những thời kỳ ca khúc về các địa phương được vang lên liên tục trên khắp cả nước, trên khắp các Tỉnh thành, trên khắp các con phố bằng những phương tiện truyền thông nghe nhìn. Nếu trong thập niên bảy mươi, lấy mốc từ sau khi đất nước hoàn toàn độc lập tức là từ năm 1975 – 1979. Đi đến đâu, chúng ta cũng được nghe các ca khúc như: Dáng đứng Bến Tre (N/sỹ Nguyễn Văn Tý). Quảng Bình quê ta ơi! (N/sỹHoàng Vân). Câu Hò bên bờ Hiền Lương (Nhạc: Hoàng Hiệp, Thơ: Đằng Giao). Mùa xuân trên Tp Hồ Chí Minh (Xuân Hồng)… Đến thập niên tám mươi, lấy mốc từ năm 1980– 1989. Sự xuất hiện băng cassette của Nhạc sỹ Quốc Dũng qua tiếng hát Bảo Yến về quê hương Gò Công đã tạo nên “cơn sốt” ca khúc địa phương. Sang thập niên chín mươi, nghĩa là từ năm 1990 – 1999, chúng ta thấy nỗi bật lên nhiều ca khúc viết về hai địa phương là Huế và Hà Nội mà phổ biến nhất là những bài hát sau: Huế Thương (N/sỹ An Thuyên) Huế-Tình yêu của tôi (N/sỹ Trương Tuyết Mai)…Hà Nội đêm trở gió (Nhạc: Trọng Đài, Thơ: Chu Lai) Hà Nội mùa vắng những cơnmưa (Trương Quý Hải)…Từ thập niên hai nghìn. Tức là từ 2000 cho đến nay, dễ dàng nhận thấy sự “vắng mặt” của những ca khúc viết về địa phương. Sự ồ ạt xuất hiện của nhiều kênh truyền hình cũng “vô tình” tạo cho công chúng có nhiều kênh để chọn lựa hơn là chỉ nghe và xem “Địa phương ca” như trước đây. Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy rõ ràng các thời kỳ này, có lẽ sự “thăng hoa” của các ca khúc viết về địa phương đã lên đến cực điểm.
Hiện nay, rất nhiều địa phương tổ chức các cuộc thi sáng tác cho Tỉnh mình như Tỉnh Kon Tum. Tỉnh Đà Nẵng… với nhiều giải thưởng về mặt kinh tế rất cao nhưng đến giờ vẫn chưa thực sự có bài “địa phương ca” hay là do đâu? Theo 2 nhạc sỹ Phó Đức Phương và nhạc sỹ An Thuyên phát biểu trong buổi Tọa đàm với tiêu đề: “ Ca khúc sáng tác về Hà Nội-Huế-Tp Hồ Chí Minh và các Tỉnh thành bạn trong giai đoạn hiện nay” tại TP Huế là do những nguyên nhân chính sau: “nhạc sỹ khi viết ca khúc về địa phương hay đi vào kể lể từng con sông, cây cầu, con đường cụ thể mà thiếu tính ẩn dụ nên bài hát chưa thật ấn tượng…với lại nhạc sỹ phải có tài năng thực, tài năng ấy phải được trau dồi, học hỏi, luyện tập thường xuyên…”
Rất mong các nhạc sỹ trao đổi tại buổi Tọa đàm thẳng thắn, cởi mở những kinh nghiệm viết ca khúc về các địa phương để làm sao tác phẩm ngày càng “ít mà không thiếu, nhiều mà không thừa”?
Đà Nẵng 29-03-2013
Trầm Tích
Học viện âm nhạc Huế