DÒNG NHẠC QUÊ HƯƠNG TRONG ĐỜI SỐNG ÂM NHẠC HIỆN NAY 03-04-2013

DÒNG NHẠC QUÊ HƯƠNG TRONG ĐỜI SỐNG ÂM NHẠC HIỆN NAY
03-04-2013

Dòng nhạc quê hương được hiểu là các nhạc phẩm sáng tác mới có giai điệu âm nhạc mang âm hưởng âm nhạc dân tộc. Đó là những tác phẩm khí nhạc hoặc thanh nhạc được sáng tác dựa trên nền tảng âm nhạc truyền thống của một vùng miền nào đó trên đất nước ta. Dòng nhạc này còn được gọi bằng một cái tên khác là dòng nhạc “dân gian đương đại”.

 

 

 

Tham luận Tọa đàm Liên hoan âm nhạc các thành phố kết nghĩa

Huế, 24 – 26/03/2013

 

DÒNG NHẠC QUÊ HƯƠNG

TRONG ĐỜI SỐNG ÂM NHẠC HIỆN NAY

                                                                             NS. Phan Thuận Thảo

                                                                   Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế

 

  1. 1.     Thế nào là dòng nhạc quê hương ?

Dòng nhạc quê hương được hiểu là các nhạc phẩm sáng tác mới có giai điệu âm nhạc mang âm hưởng âm nhạc dân tộc. Đó là những tác phẩm khí nhạc hoặc thanh nhạc được sáng tác dựa trên nền tảng âm nhạc truyền thống của một vùng miền nào đó trên đất nước ta. Dòng nhạc này còn được gọi bằng một cái tên khác là dòng nhạc “dân gian đương đại”.

Cần phân biệt các tác phẩm có chủ đề về quê hương với dòng nhạc quê hương. Có thể thống kê nhiều bài hát như Thương về xứ Huế (Minh Kỳ), Trờ về Huế (Văn Phụng), Hà Nội những năm 2000 (Trần Tiến), Sài Gòn cô tiên năm 2000 (3 Con Mèo) … có nội dung ca từ về các thành phố quê hương, còn giai điệu thì không mang âm hưởng âm nhạc truyền thống của các địa phương có liên quan, ngược lại, cũng có nhiều bài hát ca từ không nói gì đến các địa danh của đất nước, nhưng lại mang âm hưởng âm nhạc dân tộc như bài Tiếng đàn bầu, Chiếc áo bà ba, Lòng mẹ, Mừng tuổi mẹ… Như vậy, dòng nhạc quê hương mà tham luận này quan tâm là những tác phẩm có giai điệu âm nhạc mang âm hưởng âm nhạc dân tộc, nội dung chủ đề của chúng có thể là ca ngợi quê hương, đất nước hay mang những nội dung khác như tình yêu đôi lứa, tình mẫu tử, …

 

2. Vị thế của dòng nhạc quê hương trong đời sống âm nhạc hiện nay

Ở Việt Nam, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đang có đời sống âm nhạc sôi động với nhiều thể loại phong phú cùng tồn tại, từ Pop, Rock, Jazz cho đến nhạc Cổ điển phương Tây và âm nhạc dân tộc. Mỗi thể loại thu hút một lượng khán giả nhất định của riêng mình. Dòng nhạc quê hương cũng đang cộng tồn trong đời sống âm nhạc phong phú đó.

Có thể nhận thấy ở nước ta hiện đang có xu hướng “lên ngôi” của các dòng nhạc thịnh hành có nguồn gốc từ phương Tây. Dòng nhạc trẻ với tiết tấu sôi động, nhộn nhịp phù hợp với nhịp sống nhanh, hiện đại của giới trẻ hiện nay. Các ca khúc Pop trữ tình thì chiếm được tình cảm của thế hệ lớn tuổi hơn. Trong khi đó, dòng nhạc quê hương thường có tiết tấu chậm, giai điệu dàn trải, nhiều luyến láy giống với đặc trưng của âm nhạc dân tộc thì chiếm một vị thế khá khiêm tốn trong thị trường âm nhạc. Âu đây cũng là điều dễ hiểu bởi văn hóa phương Tây đã và đang ảnh hưởng đến mọi ngóc ngách của đời sống vật chất và tinh thần không chỉ của Việt Nam mà còn với nhiều nước, nhiều châu lục khác trên thế giới.

Tuy vậy, dòng nhạc quê hương vẫn có chỗ đứng của riêng mình trong đời sống âm nhạc hiện nay. Nhiều nhạc sĩ sáng tác đã đầu tư công sức, hay đơn giản chỉ là thử sức mình với dòng nhạc quê hương và đã mang đến cho công chúng nhiều nhạc phẩm hay như Về quê (Phó Đức Phương), Huế thương, Ca dao em và tôi (An Thuyên), Chiếc áo bà ba (Trần Thiện Thanh)     Nhịp phách tiền, Tang tình tang (Việt Đức), Chiều sông Hương, Tơ vương (Vĩnh Phúc), Điệu buồn phương Nam (Vũ Đức Sao Biển) … Các ca sĩ chuyên hát dòng nhạc quê hương như Anh Thơ, Cẩm Ly, Quang Linh, Thanh Thúy, Vân Khánh, Hạnh Nguyên, Khánh Duy… vẫn có số lượng “fan” của riêng mình. Họ không những hát “live” trong các chương trình ca nhạc sân khấu mà còn phát hành Album, bán ra với số lượng lớn. Phát biểu trên báo chí, ông Trương Quốc Khánh, Phó Giám đốc hãng phim Vafaco đã cho biết: ”Hiện nay, nhạc thời trang có “tuổi thọ” khoảng 3 tháng, trong khi đó, các loại băng, đĩa ca nhạc trữ tình quê hương được bán quanh năm. Điều này cho thấy nhu cầu của người yêu dòng nhạc này rất lớn, các nhà sản xuất cần phải đầu tư hơn nữa” (Báo “Người lao động”, ngày 07/08/2003). Như vậy, dòng nhạc quê hương dù không “nổi đình, nổi đám” như các dòng nhạc khác, nhưng vẫn là một dòng nước êm ả lặng lẽ trôi giữa sự náo nhiệt của dòng chảy âm nhạc đương đại.

3. Tại sao các nhạc sĩ nên đầu tư tâm sức cho dòng nhạc quê hương ?

Sáng tạo tác phẩm nghệ thuật tùy thuộc vào sở trường, khuynh hướng sáng tác của người nghệ sĩ. Điều tôi muốn nhấn mạnh trong buổi tọa đàm hôm nay là các nhạc sĩ cần quan tâm, đầu tư tâm sức cho dòng nhạc quê hương vì những lý do sau đây:

– Dòng nhạc quê hương có tính chất trữ tình, giai điệu có những luyến láy tinh tế, gần gũi với tình đất, tình quê, ca từ gần gũi, dễ hiểu như những bài dân ca mới nên dễ đi vào lòng người. Nhiều thế hệ nhạc sĩ đã và đang thành công với dòng nhạc này, chúng ta cần tiếp tục phát triển con đường đó.

– Có nhiều cách thức, cấp độ, thủ pháp sáng tạo khác nhau đối với dòng nhạc quê hương. Đó có thể là sự biến hóa các giai điệu âm nhạc dân tộc truyền thống, hay là sự kết hợp các đặc điểm của âm nhạc dân tộc với âm nhạc phương Tây. Các nỗ lực “Rock hóa”, “Pop hóa” các ca khúc thuộc dòng nhạc quê hương của một số ca sĩ, nhạc sĩ (như Trần Tiến, Phạm Anh Khoa) trong thời gian gần đây cũng tạo ra những biến tấu thú vị của âm nhạc. Chúng ta mong chờ có những thủ pháp sáng tác khác nữa để tạo ra các tác phẩm có giá trị cho dòng nhạc này trong tương lai.

– Số lượng khán giả của dòng nhạc quê hương hiện nay không phải là ít. Dân số Việt Nam phần đông sống ở những vùng nông thôn, họ dành nhiều tình cảm cho dòng nhạc quê hương, những gì gần gũi với cuộc sống của họ. Bên cạnh đó, các kiều bào ở nước ngoài cũng mến mộ các ca khúc mang âm hưởng âm nhạc dân tộc bởi họ luôn hướng tình cảm về với quê hương, đất nước. Khi xem các chương trình ca nhạc dành cho Việt kiều của Thúy Nga hay Trung tâm Asia sản xuất, chúng ta thấy có dung lượng đáng kể dành cho dòng nhạc này.

– Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, nhạc sĩ chúng ta nên chú trọng đến dòng nhạc quê hương để gìn giữ, tiếp nối và phát triển dòng chảy của âm nhạc dân tộc. Điều này phù hợp với chủ trương chung của nhà nước là bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, tránh nguy cơ bị đồng hóa bởi văn hóa ngoại lai. Mặt khác, tác phẩm của chúng ta nếu được trình diễn ở môi trường quốc tế sẽ được đánh giá cao bởi chúng mang dấu ấn riêng của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Chính nét riêng đó làm nên sự độc đáo của tác phẩm.

Đành rằng dòng nhạc trẻ Pop, Rock đang tung hoành trên thị trường nhưng dòng nhạc quê hương trữ tình vẫn đang lặng lẽ với con đường đi của riêng mình, không mạnh mẽ, ồn ào mà nhu hòa, tự tại. Vẫn biết rằng thiên hướng sáng tạo của nhạc sĩ và nhu cầu thưởng thức của công chúng đòi hỏi nhiều phong cách, nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, song dòng nhạc quê hương xứng đáng được chú trọng để càng ngày càng có thêm nhiều tác phẩm có giá trị, và dòng nhạc quê hương tiếp tục tuôn trào trong dòng chảy chung của các trào lưu âm nhạc đương đại.

                                                               Huế, ngày 25 tháng 3 năm 2013

                                                                   P.T.T.